Mỗi ngày

 

Một người bạn đã có sinh nhật ngày 22.02.2022 vừa qua hỏi bạn bè có dự định gì trong khoảng 12 năm tới để không hoảng phí thời gian 12 năm đến lúc 80. Bạn ấy chọn cái mốc 80 có thể vì nghĩ là sau đó thì tuổi tác cao, không còn điều kiện để năng động như trước đó nữa. Bạn còn nói thêm 12 năm sẽ qua rất mau. Thời gian qua càng mau khi tuổi tác ngày càng cao. Điều này nhiều người nhận xét. Thật ra thì thời gian, một con số do con người định nghĩa, vẫn trôi qua, giây từng giây, phút từng phút, giờ từng giờ, ngày từng ngày, rồi tháng, rồi năm, không thay đổi…Có thay đổi chăng là cảm giác của mỗi người, tuổi càng cao thì càng thấy thời gian mình còn sống càng ngắn lại, nên bỗng thấy lo âu, luyến tiếc?

 

Khi được bạn đặt câu hỏi này, tôi tự nghĩ mình sẽ không đặt cho mình câu này, và cái mốc 80 tôi cũng không nghĩ đến. Bạn tôi nêu lên lý do đặt câu này là để làm sao có ý thức để sống 12 năm tới cho thật thỏa đáng, trước khi đi vào giai đoạn sau 80. Đối với tôi, câu hỏi này tôi không có, vì thời gian đối với tôi là một con số toán học bất biến, không co giãn, và tôi cũng không sợ lãng phí nó. Một người bạn khác, gần đây đã hát cho bạn bè nghe bài „Mỗi ngày ta chọn một niềm vui“ của Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ đây cũng là quan niệm sống của tôi, vì vậy tôi không bận tâm lo nghĩ đến ngày mai hay trong 12 năm nữa hay sau đó mình phải làm gì. Điều này không đồng nghĩa với những công việc cụ thể cần phải làm để những người thân còn lại không gặp khó khăn khi tôi bịnh hoạn, không còn tự quyết định được cho mình, hay khi tôi từ giã cõi đời: Nhà cửa, di chúc etc.. Một người bạn khác hỏi mình sẽ làm gì trước khi từ trần. Có người nói đã đi học lớp chuẩn bị cho lúc mình từ trần, để khi ra đi sẽ không bị những lực xấu theo đuổi, có người nói sẽ bình thản, nếu còn sáng suốt sẽ thiền để tâm hồn thanh tịnh lúc ra đi. Tôi nghĩ, nếu tôi vẫn sáng suốt, tôi sẽ nói lời từ giả người thân, cám ơn đã được sống trong tình cảm thương yêu, xin lỗi những lỗi lầm đã gây ra, và bình thản như mọi khi. Nếu không còn sáng suốt nữa thì chấp nhận, vì nếu không thay đổi được thì không cần luyến tiếc, trách móc, sợ hãi. Mọi sự việc sẽ qua đi.

 

Để có một cuộc sống tốt đẹp, có người khuyên nên sống lạc quan.

 

Lạc quan chính là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh trước mọi sự việc và tình huống trong cuộc sống. (https://sapuwa.com/lac-quan-la-gi-lam-the-nao-de-tro-nen-lac-quan-trong-cuoc-song-.html)

Có người lại cho rằng sống lạc quan là xa thực tế, tự vẽ cho mình một viễn cảnh tốt đẹp, không phụ thuộc vào tình huống bên ngoài tốt hay xấu. Họ khuyên nên sống thực tế, nhìn vấn đề đúng thực chất để có những quyết định sáng suốt, không bi quan. Phần tôi sẽ không dùng ý nghĩa lạc quan và cũng không dừng lại ở mức độ thực tế. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tôi sống tích cực, dùng sức mình để ảnh hưởng tốt tình thế, nếu không ảnh hưởng được thì chấp nhận và tôi cũng tận dụng sự sáng suốt để nhận diện „trong cái rủi còn có cái may“.

 

Nếu cuộc đời xảy ra những điều không tốt lành, thì trước hết tôi sẽ xem mình có thể có tác dụng được gì để biến tình thế được tốt hơn, hay ít nhất tôi sẽ tìm cho mình những biện pháp để thích ứng với tình thế, để vẫn sống trong nghĩa „Tích cực làm tốt nhất như có thể trong mọi tình huống“. Nhiều khi trong cái không tốt đẹp sẽ xuất hiện những điều tích cực mà mình trước đó không ngờ tới, hoặc có những tình huống tích cực trong cái tiêu cực mà mình không nhận ra. Có những tình huống cần phải nhìn thấy trước vấn đề gì có thể xảy ra, để có những biện pháp tích cực đề phòng, tránh những điều không tốt xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có biện pháp điều chỉnh theo chiều hướng tốt.

Nói tóm lại, tôi thấy dùng từ sống xây dựng là thích hợp nhất cho tôi, xây dựng từ sức mình, không dựa vào ai.

 

Một thí dụ điển hình là trong đại dịch corona. Đại dịch hiễn nhiên là một biến cố lịch sử, mang lại tang thương chết chóc cho cả thế giới. Thêm vào đó, con người mất đi những nhu cầu rất cần thiết trong cuộc sống như tự do, gần gũi người thân. Nhưng trong biến cố ấy, tôi nhìn thấy được tình nhân đạo, từ bi trong con người, những người ngày đêm làm việc để tìm thuốc, giúp người chữa bịnh, phòng bịnh, những người cứu đói, cứu khổ. Nhưng cũng có nhóm người chống lại tiêm chủng ngừa, gây nhiều khó khăn, lây lan, dù nhà nước đã dùng đủ mọi cách. Thái độ xây dựng ở đây không phải là chê bai, nguyền rũa, hận thù lẫn nhau, mà là chấp nhận và bình tĩnh. Mỗi người hành động theo cái mà mình cho là đúng, và quan niệm sống đã theo thời gian in sâu vào tâm não mỗi người, rất khó thay đổi, nhất là khi họ có quyền làm điều này, không ai có thể bắt buộc, họ không phải là những người phạm tội.

 

Về bản thân tôi, tôi cũng không thoát ra được những trói buột của dịch bệnh, cũng khó chịu, cũng bực bội. Nhưng song song vào đó, tôi nghĩ ra cho mình cách sống thích hợp, cách sống „Mỗi ngày ta chọn một niềm vui“.

 

Khi bị giới hạn đi lại, tôi phải bỏ hết những thói quen tập thể dục thường ngày như bơi lội, fitness center. Nhưng tôi có thể tập thể dục ở nhà, đi dạo những nơi vắng người. Qua đó tôi khám phá ra sự nhiệm màu của thiên nhiên, của thiền hành. Tôi không muốn đến nơi đông người nên tận dụng mua online và khám phá ra rằng, mua online giúp tôi khỏi phải khiêng nặng không cần thiết, lại tốn nhiều thời gian. Giãn cách xã hội lại giúp tôi ăn uống đều độ, thích hợp cho sức khỏe, thay vì đi ăn tiệm thường xuyên, hay trong những lúc đi du lịch.

 

Để giải quyết giãn cách xã hội, tôi gặp bạn bè người thân online, mở rộng thêm tình bạn tốt và bạn mới ở nhiều nơi trên thế giới, mở rộng tầm nhìn, rèn luyện thêm cho mình tính tổ chức, cùng bạn bè học tập thêm những điều hay, lạ. Những điều này chắc hẳn tôi sẽ không được hưởng, ít nhất là không được hưởng đều đặn và ráo riết như trong thời gian đại dịch. Thêm vào đó, tôi khám phá qua sách vở (sách in ra giấy hay qua internet) rất nhiều điều chân, thiện, mỹ.

 

Cũng trong thời gian này, điều quý báu nhất mà tôi nhận được là được đều đặn theo Phật đạo qua những buổi học tập, trao đổi online, và thực hành tốt những điều đã học. Đó là nền tảng giúp tôi nhận ra được ý nghĩa của một cuộc sống xây dựng. Cuộc đời có những duyên may đưa đẩy, đúng như Phật dạy. Tôi đã hiểu được ý nghĩa của lòng từ bi, sống thương người, giúp người. Đó là ý nghĩa thực sự của hạnh phúc. Hạnh phúc khi mình là một nhân tố của thế gian và có những đóng góp tích cực cho thế gian, con người, loài vật, cỏ, cây, hoa, lá, thiên nhiên, ít nhất là không hại thế gian. Tôi cũng học thêm ý nghĩa của hỷ, xã, vui với niềm vui chính đáng của người, không thù hận, ghét bỏ những người khác ý mình, xem họ là người đồng loại, không phải là kẻ thù. Cùng lúc với học đạo, tôi lại học được từ bạn bè, từ các tác phẩm tuyệt vời của các nhà triết học, của các nhà văn, nhà thơ. Bổng dưng tôi thích làm thơ. Những lời thơ đi từ trực giác, không cần suy nghĩ nhiều, nhưng bạn tôi nhận xét „đọc thơ bạn thấy hay vì cảm nhận được những điều bạn muốn diễn tả“. Tôi chợt nhận ra mình có nhiều suy nghĩ mới, nhanh và bén nhạy.

 

Tôi nghĩ rằng mình may mắn hiểu và thực hành được nguyên tắc của một cuộc sống thoát khổ, một cuộc sống xây dựng.

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0