Tình thương và Hạnh phúc

  

Tình thương. Một từ đơn giản nhưng lại có một mãnh lực phi thường. Tình Thương ở đây cũng đồng nghĩa với Tình Yêu, nhưng cần nói rõ lãnh vực Tình Thương / Tình Yêu ở đây không chỉ giới hạn ở tình yêu trai gái mà là với thiên nhiên, muôn loài. 

 

Paulo Coelho đã từng quả quyết "Khi chúng ta yêu và tin tưởng với tất cả tâm hồn vào việc gì, chúng ta cảm thấy có sức mạnh nhiều hơn cả thế gian và tìm thấy sự bình yên, vì chúng ta biết chắc rằng, không có gì có thể chiến thắng lòng tin của chúng ta. Sức mạnh lạ thường này giúp chúng ta quyết định đúng và đúng lúc, và khi chúng ta đã đạt được mục tiêu, chúng ta ngạc nhiên về khả năng của chính mình. Vì trong cuộc chiến tuyệt vời ấy thì tất cả mọi sự việc khác đều không quan trọng, chúng ta được sự hăng say đưa chúng ta đến mục tiêu..." (Paulo Coelho, Auf dem Jakobsweg, Diogenes Verlag AG). Sức mạnh của tình thương không chỉ được Paulo Coelho đề cao ở đây. Những triết gia như Alfred Adler, Ichiro Kishimi, nhà cách mạng Rosa Luxemburg, nhà khoa học Albert Einstein ("chỉ có một cuộc sống vì người khác mới đáng sống") và Đức Phật đều đề cao vai trò của tình thương trong cuộc sống của con người, một yếu tố cơ bản có thể mang đến hạnh phúc lâu dài.

 

Những tương đồng về nhận xét này đi từ những bậc vĩ nhân, từ nhiều nhân vật có uy tín cao, từ nhiều hướng, nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng khi phân tích kỹ hơn, tôi tìm được nền tảng chung của sự nhận xét này. Và nền tảng chung này tôi tìm thấy từ thuyết nhà Phật.

 

Điều tiên quyết cho việc tìm thấy hạnh phúc vững chắc, dài lâu là ý thức về sự vô thường của mọi sự vật trên đời. Khi tất cả sự vật đều thay đổi không ngừng, khi cuộc sống chỉ trôi qua ngắn ngủi thì chúng ta nên làm gì tốt nhất để có hạnh phúc trong thời gian ngắn ngủi này ?

 

1) Mục đích của cuộc sống

Trên thế gian này, bên cạnh tôi là một tập thể gồm thiên nhiên muôn loài, trong đó những người gần gũi nhất là gia đình, bạn bè, quê hương. Như vậy trong một tập thể gồm có tôi và muôn loài khác thì ta có thể tìm được hạnh phúc khi nào? Có người nói, tôi sẽ sống theo điều tôi muốn. Mục đích của cuộc sống có thể đạt được khi mong muốn của tôi được thỏa mãn. Tôi tồn tại trên thế gian này. Đó là điều cơ bản ai cũng muốn có, và đó là điều hiễn nhiên. Thêm vào đó là những đòi hỏi như ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ sắc đẹp, dâm dục, rượu chè, cờ bạc, bạo lực. Những điều này, tùy theo quan niệm mỗi người mà sống, nhưng như vậy họ có đạt được hạnh phúc dài lâu không, hay chỉ là những thỏa mãn nhất thời để rồi nhận những hậu quả đau đớn hay khổ đau, khi già yếu bệnh tật, nghiện thuốc nghiện rượu, khủng hoảng, xung đột với người khác, chiến tranh etc.

Mục đích của cuộc sống hạnh phúc dài lâu có thể là tận dụng khả năng để mang đến hạnh phúc chân chính cho muôn loài. Muôn loài để nhấn mạnh là không tập trung vào cái tôi, cái ích kỹ, nhất thời cho riêng tôi. Chỉ cần sự hiện hữu chân chính này của tôi, tôi góp phần cho thế gian, cho tập thể cùng tôi được bình an. Đó là tình tập thể (Đức Phật, Adler, Kishimi). Nếu tôi tích cực có những nỗ lực, hành động hỗ trợ tập thể thì lại càng hay. Cần phân biệt tập thể ở đây là muôn loài, con người, cây cỏ, thú vật, thiên nhiên, vũ trụ (Đức Phật, Adler, Kishimi, Rosa Luxemburg). Nếu tôi, vì cái tôi ích kỹ, chỉ thiên về gia đình tôi, quê hương tôi, mà mang hại đến tập thể còn lại, thì tôi sẽ gây nên thù hận trên đời, đi ngược với hạnh phúc chân chính.

 

Đây là cơ sở của hạnh phúc:

 

Sống độc lập với cái tôi (tiêu cực), có tình thương tập thể để thoát khổ, có được hạnh phúc dài lâu.

 

 

2) Cách thực hiện để đạt được mục đích

 

Tứ diệu đế: Có 4 điều chính để thực hiện:

 

a) Nhận thức rằng mình cần hạnh phúc, muốn tránh khổ

b) Tìm nguyên nhân mang đau khổ đến cho mình

c) Chấm dứt đau khổ, chấm dứt tham ái (tham ái: tập trung cái tôi theo chiều hướng xấu, ích kỹ, tham sân si)

d) Tám cách cụ thể: Bát chánh đạo

 

d1) Chánh kiến

d2) Chánh tư duy

d3) Chánh ngữ

d4) Chánh nghiệp

d5) Chánh mạng

d6) Chánh tinh tấn

d7) Chánh niệm

d8) Chánh định

 

d1) Chánh kiến:

 

Dùng trí tuệ trong sáng để nhận thức sự việc: Biết, hiểu qua trãi nghiệm. Những điều cơ bản cho chánh kiến:

- Thế gian do nhân duyên sinh ra, luôn biến đổi

- Sự hiện hữu của ta và tập thể tại thời điểm này

- Nhân quả và nghiệp báo xấu do cái tôi tiêu cực

- Có khổ đau

 

Nhân quả và nghiệp báo xấu do cái tôi tiêu cực

Đó là nguyên tắc của nhân quả, ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Nghiệp báo tốt hay xấu cũng vì vậy mà thành, không tránh khỏi được. Điều này bản thân tôi đã trãi nghiệm nhiều lần và quan sát thấy ở những người khác.

Cái tôi tiêu cực có thể xảy ra dưới nhiều trạng thái, trong giao tiếp, trong đời sống. Vì vậy những biện pháp của bát chánh đạo nhằm giúp loại trừ cái tôi tiêu cực này.

 

Có khổ đau

Khổ đau xảy đến khi chúng ta tham, sân, si, tham ái, khi chúng ta tập trung vào cái tôi tiêu cực của mình. Ái ở đây được hiểu theo nghĩa tiêu cực (tham ăn, tham tiền bạc, xa hoa etc.), không có nghĩa tình thương chân chính, tình thương tập thể. Nếu biết được nguyên nhân của khổ đau là do những yếu tố trên gây ra, thì nên loại bỏ chúng. Tham sân si xảy ra trong nhiều trường hợp tiếp xúc với xã hội (tham danh lợi để khoe khoang với người khác, tham quyền hành để đàn áp người khác etc.), những điều làm cuộc sống của chúng ta sống bị ảnh hưởng không tốt của người khác, làm mình mất đi tính ĐỘC LẬP, tự quyết định cho đời mình theo như ý mình muốn.

 

Các hình thức của cái tôi tiêu cực có thể xuất hiện qua vô thức hoặc ý thức. Vô thức khi những điều này không thể kiểm soát bằng ý thức.

 

d2) Chánh tư duy

Từ hiểu biết đúng chúng ta có ĐỘNG LỰC hành động đúng. Chúng ta không có động lực hành động sai lầm vì tham ái. Người lầm lỗi vì tâm vô minh (cái tôi tiêu cực: Vô thức tiêu cực, nhận thức sai lầm hoặc không hiểu biết), cần tha thứ chứ không thù hằn (từ). Chúng ta vui với niềm vui chính đáng của người khác (hỷ), không ganh tỵ hoặc không hoan hỉ khi họ gặp chuyện không may. Chúng ta giúp người khi họ khổ đau (bi). Chúng ta chấp nhận khi có chuyện không may xảy đến cho mình, buông bỏ, không vướng mắc (xã). Ở đây chúng ta thấy sự liên hệ với thái độ từ bi hỷ xã và vai trò của tình thương tập thể.

Động lực hành động vì tình thương tập thể này nhấn mạnh sự quý trọng, tôn trọng lẫn nhau, giá trị con người đều ngang nhau, không phân biệt màu da, giàu nghèo, chức tước, cấp bậc, tuổi tác. Vì vậy tinh thần bình đẳng phải được tuyệt đối tuân hành. Kishimi đã nói rõ điều này trong lãnh vực giáo dục. Người thầy phải tôn trọng học trò của mình, đối xử bình đẳng, qua đó người trò mới có thể phát triển được khả năng độc lập của mình, tự tin vào sức của mình, có động cơ tích cực để học tập.

 

d3) Chánh ngữ

Khi chúng ta giao tiếp, cần thành thật, hòa nhã, tránh thốt ra những gì có thể tạo ra tác động không tốt đến bản thân mình và người khác, tạo nhân xấu, nghiệp xấu (td nói xấu người khác, nói dối đưa đến hậu quả không tốt, nói thô tục). Những điều này giúp ta tránh tạo nhân và nghiệp xấu, có thể tạo được liên hệ tốt với người khác, qua đó ta sẽ nhận được quả và nghiệp tốt.

 

d4) Chánh nghiệp

là hành động đúng, dựa vào chánh kiến làm điều thiện, không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp.

Ở đây chúng ta có thể trãi qua, từ mình hay người khác, những trường hợp trong thực tế rất khó xử, td như trường hợp vua Trần Nhân Tôn. Ngài muốn đi tu như vì muốn dân khỏi ách ngoại bang nên phải chiến tranh chống giặc (giết người) và ta biết rằng Vua đã có nhiều cách giao tiếp tránh chiến tranh với Chiêm Thành khi bị họ quấy nhiễu. Hiện tượng này (chiến tranh) có thể do nghiệp xấu từ trước gây ra. Vua đã đi tu sau khi cứu dân cứu nước.

Chiến tranh không tránh khỏi được có thể vì do nhân và nghiệp xấu lúc trước tạo ra, khi mọi đàm phán không mang đến kết quả tích cực.

 

d5) Chánh mạng

Mạng: Sinh mạng, sự sống. Nên có những nghề không tạo nhân quả, nghiệp xấu, dựa trên cơ sở chánh kiến.

 

d6) Chánh tinh tấn

Tinh tấn có nghĩa là siêng năng, cố gắng, không nản lòng, can đảm, quyết đạt mục đích đã đề ra là hạnh phúc dài lâu vì tình thương tập thể. Điều này rất cần thiết để hành động đúng theo chánh kiến. Ở đây chúng ta thấy rất rõ sự tương đồng với thuyết của Alfred Adler, Ichiro Kishimi, Paulo Coelho. Chúng ta cần can đảm để đạt mục đích, với tình yêu tập thể và sự tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của mình, không dựa vào ai hoặc sức lực nàokhác.

 

d7) Chánh niệm

Niệm là ghi nhớ, suy nghĩ. Cần ý thức, chú tâm, tương tác bằng mọi giác quan, vào khoảnh khắc hiện tại và tập trung vào khoảnh khắc đó, chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, dù hạnh phúc hay tổn thương trong lúc đó, không tích cực hóa (*) hoặc cố gắng xua đuổi, than thở, để có bình an. Điều này cũng giúp ta ngưng tiếc nuối quá khứ và lo lắng cho tương lai, thưởng thức được niềm vui hiện tại và bình tâm khi có chuyện không tích cực xảy ra trong hiện tại. Vọng tưởng (suy nghĩ liên tục nhiều chuyện khác nhau) cũng được tránh khỏi.

Chánh niệm chưa phải là thiền.


(*) Khi có chuyện không tích cực xảy ra, tôi chấp nhận nó và tìm phương cách để có những đối phó tích cực trong hoàn cảnh này (thời covid chấp nhận cách ly xã hội nhưng liên hệ với tập thể cộng đồng qua internet để tránh bị cô lập). Điều này khác với tích cực hóa. Tích cực hóa là nhìn một việc không tích cực nhưng lại cho là nó tích cực (td: Bệnh covid là do thổi phồng, thật sự không nguy hiểm như nhiều người nghĩ). Đối phó tích cực là có phương cách thật sự mang tới điều tích cực trong hoàn cảnh tiêu cực. Thêm vào đó, nếu chúng ta có cái nhìn trung thực, có thể phát hiện những điều tích cực trong hoàn cảnh tiêu cực („trong cái rủi còn có cái may“). Thí dụ: Do bị dãn cách xã hội, tôi không đến được fitness center như thường lệ nên phải đi bộ đường dài nơi thiên nhiên vắng vẻ, nhờ vậy tôi khám phá được giá trị quý báu và nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên cùng thói quen đi bộ đường dài tốt cho cơ thể.

 

d8) Chánh định

Gom tâm cố định vào một đối tượng duy nhất, thiền. Đối tượng này, theo Đức Phật, là hơi thở vào, ra. Đối tượng này cũng có thể là sự trống rỗng, không có gì trong tâm. Dù là đối tượng nào, cần phải nhận ra trạng thái duy nhất đó, hoặc là hơi thở, hoặc là sự trống rỗng. Định vì vậy là trạng thái tỉnh để nhận ra trạng thái mình đang ở, đó là trạng thái đang cố định vào đối tượng duy nhất. Điều này giúp cho tâm được nghĩ ngơi, an lạc, không bị „quấy nhiễu“ bởi những suy nghĩ tiêu cực, vô tổ chức, thiếu hiệu quả.

 

Qua thiền, trạng thái trực giác (vô thức tích cực) xuất hiện, trí tuệ tâm linh được trau dồi, trong sáng, nhiều sáng kiến xuất hiện. Vô thức ở đây được nghĩ theo nghĩa tích cực, trong sáng, vì những vô thức tiêu cực đã bị loại trừ trong những bước trước của bát chánh đạo. Việc tâm cố định vào một đối tượng duy nhất giúp cho não bộ được rãnh rang, có môi trường thích hợp cho việc tập trung phát huy trí tuệ tâm linh, trong sáng, nhạy bén nảy ra nhanh nhẹn những ý nghĩ, phát minh, giải pháp chính chắn, mới mẻ.

 

 

 

3) Thiền định của đạo Phật

Quá trình đạt đến hạnh phúc dài lâu được Đức Phật phân tích để đưa đến kết quả rất có hệ thống và hợp lý. Vì vậy, muốn đạt được kết quả tốt chúng ta phải thực tập theo hệ thống của Đức Phật đề ra, không đi tắt được. Điểm cuối cùng của bát chánh đạo là chánh định chỉ có thể đạt được tốt nhất khi bốn bước tứ diệu đế và 7 bước của bát chánh đạo đã được thông hiểu và thực tập thành công. Thiền định này, vì vậy, phải được hiểu là thiền định của đạo Phật. Trên thế giới có nhiều phương pháp thiền định khác, thí dụ với mục đích xã stress, nên những phương pháp này không đề cập đến quá trình thoát khổ của Đức Phật đề ra.

 

 

4) Kết luận

Hạnh phúc hay khổ đau là hai trạng thái thường xảy ra khi chúng ta sống trong xã hội, khi có liên hệ với người khác. Có can đảm để dùng tình thương chân chính cho tập thể trong xã hội thay chỗ cho cái tôi tiêu cực, đó là chìa khóa để mở cửa bước vào căn nhà hạnh phúc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0