Khám phá Nonnenfließ

 

 

 

Một ngày đầu xuân, trời nắng ấm, đẹp. T. và tôi chạy xe rời Berlin để đi bộ đường dài ở một „vùng bảo tồn thiên nhiên“ thuộc Brandenburg, cách nơi chúng tôi ở khoảng hơn một giờ chạy xe. Khi bước vào khu rừng, tôi cảm nhận sự rộng lớn của nơi này và sự vắng vẻ hơn nhiều nơi chúng tôi đã đến, ngoài một ông giữ rừng lái xe tuần chạy ngang qua. Sau khi đi bộ một đoạn đường dài 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi nhận ra rất rõ vai trò đặc biệt của ông giữ rừng này và thấu hiểu tại sao khu rừng này được gọi là „vùng bảo tồn thiên nhiên“.

 

 

 

Nhờ T. đã xem đường đi trước, không bao lâu chúng tôi đến con sông dài uốn khúc, bề ngang nhỏ, tên Nonnenfließ, với cái cầu bằng gỗ bắt ngang, và một túp lều gỗ gần đó. Tôi tò mò đến xem. Căn lều được dựng lên với kiến trúc rất thích hợp với quang cảnh rừng chung quanh, không lớn lắm, chắc chắn, sạch sẽ, không có cửa đóng. Khi bước lên ba bậc thang và đến nhìn vào trong qua khung cửa có 6 cạnh, tôi thấy khoảng trống khá rộng, nói với T., chổ này có thể ngủ đêm được. Tôi nảy ý định chụp hình ngôi lều bình dị nhưng duyên dáng này. T. nói tôi có thể chụp hình con ó trên mái lều. Tôi hỏi, con ó nào, vì tôi chỉ thấy một đoạn cây dài chìa ra khỏi mái lều. T. nói, đó là đầu con ó. Nhìn kỹ lại thì đúng vậy. Đầu còn ó được ai đó đẽo gọt rất công phu, rất giống và có duyên. Một khám phá thú vị! Khi về nhà chúng tôi xem lại thì mới nhận ra đó không phải con ó mà là con kên kên! Xem lại hình chụp càng thấy nét đặc biệt của túp lều, toàn thể túplều giống như con kên kên đang đứng dang cánh. Một tuyệt tác! Túp lều này có tên gọi là túp lều bảo vệ, được dùng cho khách đi trong rừng trú ẩn khi mưa tuyết, gió bão.

 

 

 

 

 

Nhìn theo bản đồ chỉ dẫn được dựng lên bên cạnh ngôi lều, chúng tôi đi theo một con đường đất chạy dài theo dòng sông uống khúc, nước chảy róc rách. Tôi cảm nhận cái tên „vùng bảo tồn thiên nhiên“ rất đúng nghĩa của nó. Ở đây chúng tôi không nhận ra có bàn tay con người thay đổi làm mất đi nét đẹp tự nhiên, tất cả đều được ưu ái, chăm sóc, giữ gìn. Cây cỏ được phát triển tự do trong môi trường thanh cảnh, không có một cọng rác. Những thân cây, bị thời tiết, giông bão làm ngã, nằm dài khắp nơi, nhiều cây ngã nằm dài nối bờ sông này với bờ bên kia. Tôi để ý thấy có những thân cây bên bờ sông, phía dưới gần gốc cây có dấu bị xoắn sâu vào thân cây thành một vòng đều chung quanh thân cây (xem hình bên). Đây là công trình của các chú hải ly. Chúng cạp mòn thân cây đến khi cây bị gẫy, đỗ dài xuống dòng sông. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hải ly được mệnh danh là kiến trúc sư đại tài trong loài thú vật. Chúng có biệt tài xây đập bằng cây, cành cây, đá, bùn, trên sông, tạo nơi tá túc cho nhiều loại sinh vật trên sông như cá, côn trùng, các loài vật nhỏ. Chim rừng như chim bói cá, cò, chim diệc v.v.. cũng hay đến viếng những thân cây ngã xuống này và làm tổ ở đóp. Chúng có khả năng điều hành mặt nước để các thú vật có môi trường sống trong đó. Những đập này có chức năng như cửa ngăn và tháo nước. Khi mùa mưa chúng tháo nước ra để nước chảy thông hơn và mùa nắng khô chúng đóng lại để ngăn nước chảy đi tiếp, nâng mặt nước lên cao. Hải ly còn có khả năng xây „lâu đài“, hang động cho mình ở, thường ở bờ sông, với cửa ngõ ở dưới nước để chúng có thể bơi ra sông tìm thức ăn hay tha cành cây, để tu sữa cho „lâu đài“ khi cần thiết, nhất là vào mùa đông. Hải ly không ngủ vào mùa đông, thức ăn của chúng là các cành cây chung quanh nơi chúng tá túc. Trong hình chúng ta thấy đoạn cây được đan với nhiều cành khô bắt dài qua sông. Đó là công trình của các chú hải ly siêng năng.

 

Trên đường đi, tôi mê mẩn nhìn ngắm đây đó những cụm hoa tím, trắng, hồng be bé, nở e ấp trên nền đất đầy lá khô của những cây dẻ, cây bạch tùng, cây thích v.v…, kết quả của mùa thu năm trước. Đó là nguồn dinh dưỡng, cùng với dòng nước sông, nuôi cây rừng được sinh sống, sinh tồn dài lâu theo năm tháng. Đôi vịt trên sông quấn quýt bên nhau, tận hưởng không gian thanh bình. Tiếng chim hót líu lo, ca ngợi cuộc sống an nhiên.

 

 

 

Đi một lúc thì chúng tôi thấy một ngôi nhà khá to màu đỏ. Khi đọc bản chỉ dẫn mới biết khi xưa người ta đã làm giấy ở khu này. Ngôi nhà đỏ này ngày xưa là nơi làm việc của cơ sở chăm sóc rừng. Gần đó đã có một cối xay sử dụng sức nước của dòng sông, ngày nay không còn nữa. Cối xay này ngày xưa đã được dùng để sản xuất giấy. Khi đọc đến đây tôi liên tưởng ngay đến việc làm giấy từ cây của rừng. Nhưng sự thật hoàn toàn khác. Người ta dựng nên nơi sản xuất giấy ở đây không phải để dùng cây của rừng để làm ra giấy, mà chỉ dùng sức nước của sông để cối xay hoạt động. Cối xay này được dùng để xay nhuyễn vải, lấy từ quần áo cũ, để từ đó có bột giấy hòa trong nước, được ép và phơi khô trên các sàng sắt có lỗ mịn để thành giấy (xem ảnh trái). Một khám phá thật thú vị! 

 

 

Ngôi nhà đỏ ngày nay đã được dùng làm nhà nghĩ mát được cơ sở giữ rừng quản lý và khu làm giấy ngày nay không còn hoạt động nữa. Phải nói thêm là người ta không muốn phát triển khu này thành nơi nghĩ mát, nên chỉ có ngôi nhà đỏ được dùng là nhà nghĩ mát để bảo tồn một di tích lịch sử. Nhờ vậy, ngày nay khu rừng giữ được đặc tính quý báu của một vùng bảo tồn thiên nhiên. 

Tiếp tục đoạn đường T. phát hiện một dấu vẽ hình sò điệp màu vàng trên thân cây, dấu hiệu chính thức cho Jakobsweg, con đường hành hương dẫn đến Santiago de Compostela ở Galicien, Tây Ban Nha, nhà thờ có ngôi mộ của ông Thánh Jakobus. Chúng tôi biết được dấu này từ khi được viếng thăm Santiago de Compostela, sau khi đi được một đoạn đường hành hương từ một làng nhỏ dẫn tới đó. Tôi biết ở Brandenburg có con đường hành hương Jakobsweg nhưng không nghĩ mình lại tự nhiên có được may mắn này, khi không chuẩn bị tìm như lần trước ở Tây Ban Nha. Vì vậy nên T. nói có thể đây là dấu hiệu mặt trời của ai đó vẽ nên. Nghĩ vậy nên chúng tôi không bận tâm nữa và đi tiếp. Đến một nơi tôi thấy một băng ghế bằng gỗ, đúng lúc để chúng tôi dừng lại nghỉ chân và ăn uống. Tôi tận hưởng những bữa ăn giữa thiên nhiên bao la, vắng lặng, trong ánh nắng ấm, như hiện giờ và nói đùa với T. là mình hôm nay ăn trưa ở nhà hàng nắng rừng. Gần nơi chúng tôi nghĩ trưa lại có một bản chỉ dẫn kể chuyện ông Karl Donner. Ông đã có công giữ và mở rộng rừng bảo tồn ở vùng này 16 năm. Người ta nhớ ơn ông nên đã trồng một cây phong mang tên ông. Sau 99 năm cây này đã bị sét đánh ngã, một cây khác đã được trồng thay thế. Gần chổ chúng tôi nghỉ trưa có một tảng đá có khắc tên "Donnerahorn", tên ông Donner và tên Ahorn, loài cây phong.

 

 

  

 

Sau khi nghỉ trưa chúng tôi trở lại đi con đường cũ trở về túp lều con kên kên. Lần này chúng tôi phát hiện thêm nhiều cây bên đường có dấu hiệu vỏ sò điệp. Chúng tôi bắt đầu nghi rằng mình thật sự đang đi trên con đường hành hương. Khi đến góc đường gần túp lều, chúng tôi phát giác một bảng in hình vỏ sò điệp, đúng như dấu hiệu chính thức của con đường Jakobsweg. Chúng tôi vừa bất ngờ, vừa thú vị vô cùng, vì tình cờ khám phá ra con đường hành hương mà chúng tôi luôn có tình cảm và kỹ niệm sâu sắc trong lòng. Thế là không chần chờ gì nữa, chúng tôi hướng theo "đường vỏ sò điệp" mà đi tiếp. Từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, trước mắt chúng tôi là một rừng thông vô tận. Trên đoạn đường đến giờ chúng tôi đã đi trong vùng rừng gồm có nhiều loại cây khác nhau. Ở đây chỉ có cây thông, trùng trùng điệp điệp. Tôi say mê đi như trong mơ, được bao bọc chở che trong vô số cây thông trong ánh nắng ấm áp của một buổi chiều mùa xuân

Rừng thông vô tận hàng thông,

màu nâu ửng nắng, giữa nền trời xanh, 

song song, đứng thẳng, song song,

vượt cao ngạo nghễ, chẳng hề núng nao, 

lá xanh, xanh mãi ngàn năm,

hàng hàng, lớp lớp, dẫn đường ta đi!

 

 

Con đường Jakobsweg này vào thời trung cổ là con đường buôn bán dẫn từ Stettin (Ba lan) đến Bernau kế Berlin (nơi chúng tôi đến trong bài này có con sông tên Nonnenfließ), qua Leipzig, Nürnberg, Florenz rồi đến Rom. Những người hành hương dùng con đường này (tên Via Impirii) vì an ninh và hạ tầng cơ sở có sẵn. Khi đến Leipzig thì họ rẽ theo đường Jakobsweg (tên Via Regia) hướng về Santiago de Compostela.

 

Nonnenfließ, 25.3.2022

Phạm Ngọc Thúy

 

Nguồn ảnh: Hoa Xuân Trường

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0