Đại từ xưng hô tiếng Việt trong giao tiếp

 

Trong cuộc sống tập thể, con người tiếp xúc với con người qua ngôn ngữ. Cái tuyệt vời của ngôn ngữ là nó có sức mạnh ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến kết quả của sự giao tiếp này.

 

Đại từ xưng hô tiếng Việt, nếu được sử dụng đúng đắn, chân thành, hợp lý, có thể góp phần gầy dựng thành công một cách tốt đẹp quan hệ xã hội, giữa những con người xa lạ, không cùng chung huyết thống. Bản thân nó hàm chứa vừa lý vừa tình, và tự nó có đủ sức để trực tiếp thiết lập quan hệ xã hội, không cần phải diễn giải gì thêm.

 

Sự sử dụng đại từ xưng hô tiếng Việt mang nhiều sắc thái của văn hóa gia đình Việt, nơi mà vai thứ, cấp bậc, tuổi tác, quan hệ huyết thống, có thể là sức ép làm giới hạn, cản trở sự bình đẳng, độc lập của các thành viên. Mặt khác, gia đình lại là môi trường thích hơp để phát huy tốt đẹp quan hệ tình cảm giữa người với người trong gia đình đó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là yếu tố tình.

 

Hai yếu tố trên được vận chuyển ra ngoài xã hội, ảnh hưởng đến sự giao tiếp ở đó. Yếu tố tình, một mặt, cũng có thể là một điều tích cực trong môi trường này để xây dựng quan hệ thiện cảm lành mạnh, nếu được sử dụng trung thực. Mặt khác, yếu tố này không được lạm dụng để giới hạn, ngăn cản sự bình đẳng, độc lập, trong suy nghĩ, trong tư duy phản biện và từ đó, giới hạn phát triển cá nhân, phát huy ý kiến, sáng kiến, phát minh, rất cần thiết khi con người làm việc với nhau, theo đuổi mục đích chung ngoài xã hội. Đây là yếu tố lý. Yếu tố tình, có thể góp phần tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau, hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng môi trường bình đẳng nói trên. 

 

Phối hợp được hai yếu tố tình và lý một cách hài hòa, chân thực, tôi nghĩ, chúng ta có thể đạt được kết quả tích cực khi sử dụng đại từ xưng hô tiếng Việt trong giao tiếp.

 

Câu hỏi, chúng ta cần thay đổi cách xưng hô, thí dụ từ „con“, „cháu“ thành „tôi“ hay không, tôi nghĩ, tùy mỗi người quyết định, uyển chuyển theo cảm nhận, tình huống, hoàn cảnh, môi trường. Nhưng điều quan trong nhất vẫn là, theo tôi, xây dựng một môi trường giao tiếp khuyến khích sự bình đẳng, độc lập, như đã được nêu ra ở trên, thoát ra khỏi sự ràng buộc, sức ép của quan hệ gia đình, để quan hệ xã hội đạt được sự tiến bộ tích cực, lành mạnh. Trong tinh thần này, với thời gian, văn hóa gia đình và sự giáo dục trong gia đình, học đường cũng cần khuyến khích sự bình đẳng, độc lập của từng thành viên trong tập thể đó, nâng cao giá trị tự chủ của từng cá nhân. Gia đình và xã hội sẽ là một tập thể toàn vẹn, có lý, có tình, có cơ sở tốt để cùng nhau xây dựng đất nước vững mạnh. 

 

Tinh thần phản biện trong giao tiếp, với điều kiện tốt đẹp nói trên và để đạt được kết quả tích cực, cần được thể hiện thẳng thắn, nhưng trong thái độ tôn trọng lẫn nhau, với cách diễn đạt khéo léo, thích hợp, lựa lời mà nói, theo tinh thần "biết người, biết ta". 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0