Sự thật

 

Hãy thấy những gì bạn đang nhìn.“

Cách đây không lâu, tình cờ tôi đọc được câu này của họa sĩ Harry Moberg và thấm thía lời ông nói, vì tôi cũng đã nhiều lần trãi nghiệm điều này. Rồi cũng tình cờ, cách đây mấy ngày, tôi đọc được câu „Bạn chỉ thấy những điều bạn biết“ của thi sĩ Johann Wolfgang von Goethe. Đọc câu này tôi lại càng thấy ý nghĩa sâu sắc của sự khác biệt giữa nhìn và thấy, dựa vào kiến thức nền tảng cần thiết để phát hiện ra sự thật khách quan của điều mình nhìn. Rồi tôi nhớ lại, cũng cách đây không lâu, đã đọc được đoạn văn của nữ phóng viên khoa học Nguyễn Kim Mai Thi „Sự thật chung nhỏ nhất“, điều kiện cơ bản cho mọi người, khi muốn tranh luận tốt hơn, tích cực hơn với nhau, vì dựa vào đó người ta mới phân biệt được rõ ràng giữa sự thật và điều giả mạo về những điều mình đang trao đổi với nhau.

 

Sự thật. Nói rõ hơn là sự thật khách quan, là điều mà cả ba nhân vật kể trên đều đặt lên hàng đầu khi con người nhìn một điều gì đó, từ vật chất đến tinh thần, để nhận ra nó một cách trung thực.

 

Tôi chợt nhớ thêm một điều mà tôi quan tâm: Vô minh. Từ này xuất phát từ Phật học và nhấn mạnh điều cơ bản của cuộc đời: Mất khả năng nhìn sự thật khách quan là nguồn gốc của vô minh. Đức Phật, cách đây hơn 2 ngàn năm, đã thấy, hay nói rõ hơn, nhận ra điều đó. Ngài đã rèn luyện cho mình khả năng nhận diện sự thật khách quan. Hiểu biết sự thật khách quan này giúp con người khám phá ra bí ẩn của cuộc sống: Làm sao để thoát khổ đau. Qua khả năng đó, ông đã thấy điều cơ bản làm con người đau khổ là cái tôi. Con người khôn ngoan hơn tất cả muôn loài khác trên mặt đất. Nhưng sự khôn ngoan này hay đưa đến nhận định sai lầm hoặc thiếu sáng suốt vì lòng ích kỷ, lòng ham muốn cho mình, cho rằng mình luôn luôn nghĩ và làm đúng, nên tìm mọi cách để đạt được điều đó, bất chập sự kiện chung quanh họ còn có người khác và muôn loài khác. Từ đó nảy sinh ra sự tranh chấp, nhiều khi đưa đến những thảm họa tận cùng của đau khổ. Họ không nhận ra rằng, mọi sự việc trên đời này đều thay đổi liên tục, kể luôn cuộc sống của họ và tất cả những gì họ có không thể tồn tại vĩnh viễn. Gia đình, cha, mẹ, vợ, con, cháu, là những người mà chúng ta rất yêu mến, nhưng những người này không phải là sở hữu của mình, lúc nào đó cũng phải vĩnh biệt chia tay. Nếu thấu hiểu được điều này, thì chúng ta sẽ vui sống bên nhau nhưng không bám víu nó để khi chia tay, chúng ta có thể chấp nhận buông thả mà không quá khổ đau.

 

Sự thật khách quan, vì vậy, cần sự sáng suốt để nhận ra nó. Lòng tham lam ích kỷ, muốn những gì mình có mãi mãi là sở hữu của mình và phải là những gì họ cho là tốt đẹp, là đúng, lấn áp đi cơ hội để não bộ có thể phát triển theo chiều hướng trung thực, sáng suốt để đưa đến chân lý trong sáng của cuộc sống, để trí tuệ trong sáng có thể phát huy, đưa sự an lành lâu dài, vĩnh viễn đến cho con người và vạn vật . Sự thật khách quan có nghĩa là trong sự thật này không được có cái tôi. Vì vậy, vì không nhận thấy sự thật khách quan này, vì vô minh, con người chìm đắm trong sự sai lầm thiếu hiểu biết trung thực, sáng suốt, chìm đắm trong cái khổ.

 

Bạn chỉ thấy thật sự những điều bạn đang nhìn khi hiểu biết sự thật khách quan về nó.

 

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0