Tâm

 

Đã lâu tôi không vào trang web này của mình để bổ túc bài vở, hình ảnh, hoặc để xem hay tìm dữ liệu cần thiết đã được tích lũy ở đây. Vì vậy, khi đổi sang máy mới, tôi không nhớ trang web này tên gì và lười không mở máy cũ ra xem, vì tôi đã lưu lại trên trang Google, nên khi cần, chỉ cần click vào đó.

 

Tôi suy nghĩ mãi không nhớ ra, định sẽ chịu khó mở máy cũ ra xem lại tên trang web này. Hôm nay, sau giấc ngủ trưa và xem các tin trên mạng để giải trí, tôi ngồi dậy thiền khoảng nửa tiếng, như tôi thường làm hầu như mỗi ngày. Trong khi thiền, tôi bỗng nhớ lại tên trang web của mình là tiengxuan.jimdofree.com.

 

Một sự tình cờ? Có thể là vậy. Nhưng rồi tôi liên tưởng đến buổi thuyết trình trực tuyến của anh bạn BS H., chuyên gia về "Giấc Ngủ". Anh nói giấc ngủ có chức năng làm phụ hồi trí nhớ, cũng như phát huy lời giải cho những câu hỏi mà trước khi ngủ, mình không tìm ra được. Người Đức có câu, là một lời khuyên mỗi khi ta đứng trước vấn đề khó xử, "hãy ngủ qua đêm", ám chỉ khả năng sau khi ngủ sẽ tìm ra giải pháp. Như vậy câu này cũng như lời giải thích của anh H. đã được tôi trải nghiệm. Vì đây không phải là lần đầu tiên tôi trải qua kinh nghiệm này. Cũng giống có những đêm trước khi ngủ, có những vấn đề làm tôi lo lắng, suy tư, hầu như muốn bỏ cuộc. Sau một giấc ngủ dài thẳng giấc, sáng dậy, tôi nhìn mọi vấn đề khác hẳn, thấy mọi việc lạc quan và muốn hăng hái bắt tay vào việc để giải quyết vấn đề một cách tích cực.

 

Một sự kiện khác mà tôi cũng đã trải nghiệm nhiều lần. Khi bị đau lưng nhiều vì ngồi làm việc với máy tính quá lâu trong thời gian dài, bác sĩ chẩn bệnh khuyên tôi nên nghỉ việc 6 tuần, nên đi dạo nhiều. Đi dạo là điều trước đó tôi không có thói quen, nếu có làm là khi phải dẫn con đi dạo rừng cùng bạn bè. Có nghĩa là đến lúc đó, tôi không có thói quen đi dạo một mình. Qua lần đau lưng này, chẳng những tôi đã học được bài học quí báu để giữ gìn sức khỏe và không có gì cần chăm sóc, quan tâm bằng sức khỏe, tôi đã khám phá sự tuyệt vời của đi dạo. Không những tôi có thì giờ và trầm tĩnh để nghĩ về mình, về cuộc đời mình, điều gì mình đã làm sai, mình đã học được gì, biết thưởng thức thiên nhiên êm đềm mà trước đó tôi ít để ý tới, mà với thời gian, tôi bỗng phát hiện một điều gần như nhiệm mầu của đi dạo: Tôi tìm ra giải pháp cho vấn đề khó xử khi trước đó tôi ngồi trong phòng làm việc, và hơn thế nữa, tôi bỗng có những sáng kiến thú vị, mà trước đó, tôi không hề nghĩ đến.

 

Rồi cơ duyên đưa đẩy, tôi đến được với thiền. Những buổi học đầu tiên tôi nghe lời thầy KQ. dạy thiền. Thầy khuyên hãy nhìn vào tâm. Tôi hỏi nhìn vào tâm là sao? Tâm ở đâu? Sau này mấy đứa em của tôi cũng hỏi tôi câu này. Lúc đó, tuy rằng tôi đã hiểu được phương pháp này, nhưng chưa biết giải thích làm sao. Với thời gian, học của thầy KQ., sau đó được Ni Sư Triệt Như giảng dạy thêm, về lý thuyết và thực hành và sau một thời gian tập luyện. Tôi biết tâm ở đâu và làm sao tìm thấy tâm mà nhìn vào.

 

Hôm qua, tôi nghe videoclip của Ni Sư Triệt Như về tâm. Cô giảng dạy, lúc nào cũng vậy, một cách đơn giản dễ hiểu. Cô dạy, con hãy nhìn vào tâm, lúc đó, con sẽ không thấy tham, sân, si, không giận hời, buồn khổ. Vì tâm là trống rỗng, không có gì hết, làm sao con thấy buồn, khổ nữa. Tâm có nghĩa là ta không suy nghỉ gì cả, tâm trống rỗng. Thực ra, tâm ta luôn trống rỗng. Những lo lắng vui buồn là do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, hôm nay trời mưa, ngày mai trời nắng, hôm nay được tin vui, ngày mai có tin buồn, làm cho ta bị chi phối, quên nhìn vào tâm đang trống rỗng. Một điều rất đơn giản. Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu ta ta luôn nghĩ đến tâm thì sẽ không bị những hoàn cảnh bên ngoài chi phối, hoặc ngược lại, khi bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối thì ta hãy nhìn đến tâm, sự trống rỗng này sẽ làm ta không để ý những chi phối bên ngoài nữa.

Ni Sư nói tiếp, các con thấy không, đó là trí tuệ trong sáng phải không? Vâng, tôi hiểu cô muốn nói gì. Nhiều lần tôi đã trải nghiệm rằng, khi tôi không nghĩ gì cả, có nghĩa là khi tôi đang nhìn vào tâm trống rỗng, những hoạt động trong não sẽ giảm xuống, não được nghỉ ngơi, không phải lao xao làm đủ mọi chuyên (vọng tưởng), thì não sẽ có cơ hội và điều kiện thuận tiện để phát huy trực giác, phát huy sáng kiến. Cô gọi đó là trí tuệ trong sáng. Quan trọng ở đây để phát huy trí tuệ trong sáng là phải có ý thức thoát khổ theo nguyên tắc Phật dạy. Nếu chúng ta vẫn có tham vọng và tham sân si, thì trí tuệ trong sáng không thể phát huy, nhường chỗ lại cho sự phát huy của những ý nghĩ đen tối.

 

Như vậy ba trường hợp đã được trình bày ở trên: Sau khi ngủ, lúc đi dạo, trong lúc và sau khi thiền, có tác dụng giống nhau là phát huy sáng kiến, tìm giải đáp cho vấn đề nan giải trước đó. Tôi nghĩ, trong cả ba trường hợp đều xảy ra một sự kiện giống nhau: Đó là khi bộ não được nghỉ ngơi, được giải thoát ra khỏi lưới nhện của nhiều ý nghỉ, khi tâm trống rỗng hoạt động, thì cũng là cơ hội để trí tuệ trong sáng phát huy.

 

Ni Sư dạy thêm, phương pháp nhìn vào tâm trống rỗng dễ đưa ta đến kết quả tốt, giúp não nghỉ ngơi, phát huy sáng kiến. Phương pháp này có thể áp dụng trong đời sống bình thường, lúc làm việc, giao tiếp, không cần phải ngồi thiền hoặc hành thiền, có thể nói chúng ta luôn trong trang thái thiền nếu lúc nào cũng nhìn vào tâm. Chúng ta không cần phải có chủ đề khi thiền (thí dụ theo hơi thở), mà nhìn ngay vào tâm, con đường đi đến trí tuệ trong sáng sẽ đơn giản và nhanh hơn.

 

Tôi nghĩ ra thêm một điều, tôi được khuyên tránh đánh giá tốt xấu, đúng sai, vì điều này sẽ dễ làm cái tôi với tham, sân, si phát huy. Trong đời sống bình thường, lúc giao tiếp, tôi nghĩ rằng, để thực hiện đúng lời khuyên này, thì chúng ta không đánh giá con người tốt xấu, mà chỉ nhận xét công việc, sự kiện theo hoàn cảnh cần thiết. Nếu ta tự đánh giá mình tốt (có thể đưa đến tự tôn, khoe khoang, khi dễ người khác), nếu ta đánh giá người khác xấu (thì dễ tham sân si, thù hằn, ghét bỏ), nhưng nếu chỉ quan sát công việc, việc ta hay người khác làm, rồi so sánh với điều kiện đòi hỏi cho công việc được hoàn thành đúng điều đã được vạch ra để theo đó mà hành xử, ta sẽ có tính khách quan và tránh chủ quan, cái tôi không chi phối sự kiện.

 

Quan sát sự kiện để hành xử thích hợp, không đánh giá con người.

  

Berlin, 22/9/2023

 

Tôi thêm ở đây một chi tiết rất quan trọng mà hôm nay đã học được: Bài học về tâm

 

a) Tại sao tâm yên lặng mà trí tuệ không phát ra? Tại vì ôm chủ đề - tâm phải trống rỗng để bật ra tánh giác (cái tự tỏa sáng), không chờ đợi.

 

b) Niệm nào lên cũng gạt (tưởng là vọng tưởng) thì làm sao phát trí tuệ

 

Chủ đề nổi lên giải quyết thắc mắc không nên diệt, để bật ra tánh giác, kiến giải tánh giác.

 

Berlin, 24/9/2023

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0