Một mẫu chuyện nhỏ

Một buổi chiều tôi đi dạo trên bãi sau Vũng Tàu, nắng chiều rọi ấm lên các làn sóng biển từ xa cuồn cuộn chạy vào bờ. Khá nhiều người tắm biển, viếng biển trong khoản giờ này. Trong những đám người nói nói cười cười tôi chợt để ý thấy một anh thợ mặc bộ đồ đồng phục màu cam, tay cầm dụng cụ hốt rác, nghiêm túc vớt từng mảnh rác Plastik bỏ vào thùng anh đẩy theo bên cạnh. Tôi quan sát anh một hồi, thấy trong lòng rất muốn nói chuyện với anh. Tôi đến gần anh và bắt chuyện:
- Anh làm việc này cho nhà nước hay cho tư nhân?
Anh cởi mở trả lời:
- Tôi làm cho nhà nước
Tôi vui mừng vì thấy anh không bị phiền hà vì câu hỏi tò mò của tôi
- Một ngày anh nhặt rác như vậy mấy lần?
- Hai lần
- Sao tôi thấy bờ biển vẫn còn nhiều rác anh nhỉ? Hồi sáng sớm này tôi cũng thấy nhiều rác trên bãi biển.
- Vì các tàu bè ngoài khơi họ đổ xuống rồi sóng tạt vào bờ
- Ô vậy à! Tiếc quá! Nhưng anh có thấy lượng rác bớt đi không?
- Bớt nhiều đấy cô ạ!
- Anh biết vì sao không? Có thể vì họ ý thức hơn nên bớt xả rác?
- Có thể là vậy, ngoài ra rác được nhặt từ đầu nguồn nên lượng rác tạt vào bớt đi.
- Anh làm nghề này sống được không?
- Cũng được cô ạ!
- Nhờ các anh mà biển đỡ nhiều rác. Cám ơn anh.
Tôi chào anh rồi đi tiếp, trong lòng thấy vui vui. Anh thợ hốt rác ấy, khi nói chuyện với tôi và khi tôi hỏi anh làm việc đủ sống không, không có vẻ gì bực bội hoặc than thở vì mức lương khó sống, trái lại tư thế anh rất nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi xuống biển trầm mình vào làn sóng ấm áp, cảm thấy ấm cả lòng. Trong xã hội bon chen này, có rất nhiều người sống vội vàng hưởng thụ xa hoa khoe khoang bề ngoài, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm với số lương khiêm nhường nhưng không than vãn và bình thản, như chú thợ hốt rác mà tôi đã gặp. Họ làm những công việc tuy không được nhiều người trân trọng nhưng thật sự đó là những công việc cho người khác quí báu vô cùng, vì nếu không có những vị này thì chúng ta sẽ sống chung với những đống rác.
Tôi chợt nhớ lại một khung cảnh trong một đoạn phim kể lại nghệ sĩ Thành Lộc giao lưu với các học sinh trường Lê Hồng Phong sau khi trình diễn vở nhạc kịch "Tiên Nga". Tác phẩm do NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung hợp soạn, biên kịch: Nguyễn Thành Lộc. Vở nhạc kịch này lấy cảm hứng từ truyện thơ Lục Vân Tiên của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu, đoạt giải văn học nghệ thuật TPHCM và rất được khán giả hâm mộ. Tôi nhớ lại lời Thành Lộc tâm sự với các cháu học sinh: "Trong xã hội ngày nay chú thấy người ta hưởng thụ nhiều quá! Chú mong sao các cháu không chỉ nghĩ đến mình mà nên nhớ giúp đời, giúp người. Mỗi người có thể làm trong khả năng mình có, như chú đây làm trong lãnh vực nghệ thuật còn các cháu ráng học giỏi là có thể giúp đời được. Phong cách xem nhạc kịch của các cháu cũng khác với nhiều khán giả khác, các cháu nghiêm túc khi xem và vỗ tay trân trọng nghệ sĩ. Các cháu là tương lai tốt đẹp cho nước nhà".
Phạm Ngọc Thúy
8.1.2020

Kommentar schreiben

Kommentare: 0